Top 10 games đổi thưởng hàng đầu Việt Nam năm 2023

Bản Thông Tin Thuốc Số 1

07/07/2022

TỔ DƯỢC LÂM SÀNG & THÔNG TIN THUỐC





Bệnh nhân có báo cáo dị ứng với kháng sinh penicillin khá phổ biến hiện nay và ước tính chiếm khoảng 8 – 12% dân số. Các biểu hiện thường gặp của tình trạng dị ứng bao gồm: phát ban, ngứa, buồn nôn, nôn, khó thở và phản vệ.
Mặc dù, chiếm tỷ lệ cao trong dân số nhưng 80 – 90% những người báo cáo bị dị ứng với penicillin lại âm tính khi test da với penicillin. Vì vậy, tỷ lệ dị ứng penicillin thực sự có thể thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bệnh nhân báo cáo. Do đó, các nhân viên y tế thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Thông thường khi bệnh nhân được cho là dị ứng với penicillin, nhân viên y tế rất thận trọng trong việc lựa chọn sử dụng kháng sinh họ beta-lactam và thường tránh sử dụng nhóm kháng sinh này. Điều này thường dẫn đến các phác đồ điều trị không được tối ưu.
Quan trọng là phải tìm hiểu phản ứng dị ứng được báo cáo và thời gian khởi phát phản ứng để xác định liệu đây là phản ứng qua trung gian immunoglobin (IgE), phản ứng khởi phát chậm, tác dụng không mong muốn hay đơn giản chỉ là không dung nạp thuốc. Nếu tình trạng dị ứng với penicillin được xác định là dị ứng thực sự thông qua mức độ nghiêm trọng hoặc test dị ứng thì các bác sĩ lâm sàng phải đối mặt với thách thức xác định và giải thích tỷ lệ dị ứng chéo của kháng sinh nhóm penicillin với các kháng sinh khác trong họ beta-lactam (như cephalosporin, carbapenem và monobactam). Hiểu được phản ứng dị ứng chéo sẽ giúp nhân viên y tế đánh giá rủi ro có thể xảy ra cho bệnh nhân và đưa ra quyết định có nên sử dụng kháng sinh họ beta-lactam khác hay không.
Đối với nhóm cephalosporin, tỷ lệ dị ứng chéo với penicilin thấp hơn so với những thông tin được đưa ra trước đây. Một lầm tưởng phổ biến là khoảng 10% bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin cũng sẽ dị ứng nếu dùng cephalosporin. Tỷ lệ này xuất phát từ các nghiên cứu về dị ứng chéo trước đây, đa phần các cephalosporin thường bị nhiễm một lượng nhỏ penicillin G. Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát gần đây đã phát hiện ra tỷ lệ phản ứng chéo giữa penicillin và cephalosporin từ 0,17 - 0,7%. Trong một nghiên cứu hồi cứu, tỷ lệ dị ứng chéo ở bệnh nhân có test da dương tính với penicillin là 6%. Dường như phản ứng dị ứng chéo giữa penicilin và cephalosporin có nhiều khả năng liên quan đến các sự tương tự về cấu trúc nhóm thế hơn là vòng beta-lactam. Ví dụ như amoxicillin có nhóm thế R1 giống với nhóm thế của cephalosporin thế hệ thứ nhất (cefadroxil và cefprozil), trong khi ampicillin có nhóm thế giống với nhóm thế của cephalexin, cephradin và cefaclor - cephalosporin 
thế hệ thứ hai. Điều này trái ngược với các cephalosporin thế hệ sau vì có rất ít hoặc không có sự tương đồng về nhóm thế với penicillin. Nguy cơ dị ứng chéo có thể vẫn là mối lo ngại ngay khi nhóm thế khác nhau. Do đó, cần tránh sử dụng các kháng sinh beta-lactam khác ở những bệnh nhân có tiền sử phản ứng nghiêm trọng qua trung gian IgE hoặc không qua trung gian IgE với penicilin, đặc biệt là trong trường hợp không có test da hoặc thông tin về việc bệnh nhân trước đó đã từng được điều trị với kháng sinh họ beta-lactam khác.
Aztreonam ít gây miễn dịch dị ứng hơn và có thể được sử dụng an toàn ở những bệnh nhân dị ứng với các beta-lactam khác do sự khác biệt về cấu trúc hóa học. Dữ liệu in vitro, test da và nghiên cứu trên bệnh nhân không tìm thấy nguy cơ dị ứng chéo với các beta-lactam khác. Ngoại trừ ceftazidim do có nhóm thế R1 giống hệt với aztreonam, vì vậy cần tránh sử dụng thay thế do nguy cơ dị ứng chéo cao giữa 2 kháng sinh này.
Đối với nhóm carbapenem, tỷ lệ phản ứng quá mẫn gặp trong dân số được cho là dưới 3%. Carbapenem và penicillin không có chung nhóm thế nên điểm tương đồng về cấu trúc chủ yếu có thể gây ra dị ứng chéo là cấu trúc hai vòng của phân tử. Nghiên cứu đầu tiên cố gắng đánh giá tỷ lệ dị ứng chéo có thể xảy ra giữa penicillin và carbapenem (cụ thể là với imipenem). Nghiên cứu hồi cứu này có 59 người tham gia và chỉ sử dụng test da mà không dùng toàn thân sau đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ dị ứng chéo với imipenem là 25,6% đối với những người bị dị ứng với penicillin tự báo cáo và 47,4% đối với những người dị ứng với penicillin thực sự. Tỷ lệ dị ứng chéo tiềm năng này đáng báo động; tuy nhiên, nghiên cứu này có cỡ mẫu nhỏ và sử dụng test da imipenem không đạt tiêu chuẩn, điều này khiến nhiều người thận trọng khi đánh giá về ứng dụng lâm sàng của nghiên cứu.
Kể từ nghiên cứu ban đầu này các nghiên cứu sâu hơn với thiết kế, phương pháp luận và quần thể bệnh nhân khác nhau cho thấy tỷ lệ dị ứng chéo giữa penicillin và carbapenem nằm trong khoảng từ 0,9 – 11%. Khi được kiểm tra thêm, các nghiên cứu hồi cứu sử dụng test da với penicillin và carbapenem phù hợp, trong đó bệnh nhân âm tính khi test da với carbapenem được nhận một liều carbapenem toàn thân, cách này có khả năng xác định tốt nhất để hướng dẫn việc sử dụng carbapenem. Trong những nghiên cứu này, tỷ lệ dị ứng chéo thực sự trong trường hợp test da dương tính với cả penicillin và carbapenem khoảng 1%; bệnh nhân có test da âm tính với carbapenem dung nạp các liều carbapenem toàn thân không xảy ra phản ứng gì. Từ dữ liệu này, tỷ lệ dị ứng chéo thực sự với carbapenem ở những bệnh nhân dị ứng với penicillin dường như rất thấp.
Cách tiếp cận sau đây có thể được xem xét để giải quyết mối quan tâm về dị ứng chéo của kháng sinh beta-lactam trong quá trình điều trị các loại nhiễm trùng cấp tính. Đối với những bệnh nhân có tiền sử nghi ngờ hoặc đã được chứng minh phản ứng qua trung gian IgE với penicillin, bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc thay thế bằng một loại kháng sinh khác hoặc thực hiện giải mẫn cảm nếu không còn lựa chọn thay thế phù hợp. Đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng không qua trung gian IgE nên xác định mức độ nghiêm trọng của dị ứng và mức độ tương tự về cấu trúc nhóm thế của kháng sinh muốn thay thế. Đối với những bệnh nhân có tiền sử phản ứng nghiêm trọng không qua trung gian IgE, chẳng hạn như hội chứng Stevens-Johnson hoặc thiếu máu huyết tán nên sử dụng một loại kháng sinh khác thay thế. Đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng ứng không nghiêm trọng, không thông qua trung gian IgE với penicilin, không cần tránh dùng cephalosporin và carbapenem; tuy nhiên, cần cân nhắc việc sử dụng các kháng sinh có nhóm thế không tương đồng nếu phù hợp.
Kết luận, tỷ lệ dị ứng chéo giữa penicillin với cephalosporin và carbapenem dường như khá thấp. Do đó ở những cơ sở điều trị không thực hiện được test da nên cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng cephalosporin hoặc carbapenem cho những bệnh nhân báo cáo bị dị ứng với penicilin. 
Ngoại trừ trường hợp dị ứng nghiêm trọng qua trung gian IgE hoặc không qua trung gian IgE, không nên tránh sử dụng các kháng sinh beta-lactam khác và nguy cơ phản ứng chéo có thể giảm nhiều hơn bằng cách sử dụng các thuốc có nhóm thế khác nhau. Aztreonam không có phản ứng chéo với các kháng sinh họ beta-lactam khác và có thể được sử dụng an toàn cho bệnh nhân dị ứng với kháng sinh beta-lactam, ngoại trừ bệnh nhân dị ứng với ceftazidim.
Tài liệu tham khảo:
//www.pharmacytimes.com/view/penicillin-allergies-and-crossreactivity-with-other-betalactams


Tờ thông tin sản phẩm (PI) của Ceftriaxon vừa cập nhật cảnh báo liên quan đến bệnh lý não, đặc biệt ở người cao tuổi bị suy thận hoặc rối loạn hệ thần kinh trung ương. Viêm gan cũng là một biến cố bất lợi tiềm tàng của Ceftriaxon.
 
Ceftriaxon (hay Ceftriaxon natri) là kháng sinh Cephalosporin phổ rộng chỉ định cho trẻ em và người lớn để điều trị viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh lậu, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn xương-khớp và được sử dụng để dự phòng phẫu thuật.
 
Cảnh báo về bệnh lý não và viêm gan được bổ sung vào PI của Ceftriaxon dựa trên bằng chứng được công bố trong y văn và từ dữ liệu về biến cố bất lợi sau khi thuốc lưu hành trên thị trường Úc và các nước khác.
 
Cảnh báo bổ sung được thêm vào mục 4.4 của PI “Bệnh lý não đã được báo cáo khi bệnh nhân sử dụng Ceftriaxon, đặc biệt ở người cao tuổi bị suy thận nặng hoặc rối loạn hệ thần kinh trung ương. Nếu khi ngờ bệnh lý não có liên quan đến ceftriaxon (ví dụ: giảm ý thức, thay đổi trạng thái tâm thần, run cơ, co giật), nên xem xét ngừng sử dụng thuốc.”
 
“Viêm gan và tắc mật (chưa xác định tần suất)” và “bệnh lý não (hiếm gặp)” đã được bổ sung vào mục 4.8 của PI như các biến cố bất lợi tiềm tàng.
 
Biến cố bất lợi được báo cáo tới cơ quan quản lý trị liệu (TGA)
Ngày 16/11/2021, TGA ghi nhận 38 báo cáo viêm gan, 10 báo cáo tắc mật, 3 báo cáo về bệnh lý gan to và 1 báo cáo tổn thương tế bào gan, tất cả đều có liên quan đến Ceftriaxon.
 
TGA cũng ghi nhận 3 báo cáo về bệnh lý não khi sử dụng Ceftriaxon. 2 trong số đó được mô tả trong 1 nghiên cứu đánh giá các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc thần kinh liên quan đến Cephalosporin tại vùng phía Tây Úc.
 
Thông tin cho nhân viên y tế
Các biến cố bất lợi trên có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, do đó, bác sĩ kê đơn cần nhận thức được về các nguy cơ này.
Các trường hợp bệnh lý não đặc biệt liên quan đến người cao tuổi bị suy thận nặng hoặc rối loạn hệ thần kinh trung ương đã được báo cáo. Vì vậy, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh lý não, cân nhắc ngừng sử dụng thuốc.
  
Nguồn: //www.tga.gov.au/publication-issue/ceftriaxone-and-risk-hepatitis-and-encephalopathy#hp

  1. Chỉ định
Điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
  1. Liều dùng
Uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày
Nên uống thuốc Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.

 
QUÊN UỐNG THUỐC:
  • Nếu quên 1 liều Molnupiravir trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc: uống ngay khi có thể và tiếp tục uống thuốc theo chế độ liều thông thường.
  • Nếu quên 1 liều quá 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc: không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình ( không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên )
 
  1. Giới hạn liều sử dụng
  • Không được dùng quá 5 ngày liên tiếp
  • Không được sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hoặc sau phơi nhiễm
  • Không sử dụng khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do Covid-19. Các bệnh nhân đã được sử dụng molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.
  1. Cách dùng
  • Uống nguyên viên thuốc với 1 cốc nước vừa đủ ( có thể uống cùng hoặc không cùng thức ăn )
  1. Sử dụng trên các đối tượng đặc biệt


THUỐC CAO HUYẾT ÁP DÙNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

1.Các loại cao huyết áp khi mang thai

  • Cao huyết áp mãn tính: tình trạng cao huyết áp mãn tính đã xuất hiện từ trước khi có thai hoặc xảy ra trước tuần 20 của thai kỳ. Nhưng vì huyết áp cao thường không có quá nhiều triệu chứng nên khó có thể xác định khi nào bắt đầu và đôi khi chỉ được biết đến khi đi khám thai định kỳ.
  • Tăng huyết áp thai kỳ: tình trạng này thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng không có các biểu hiện của tiền sản giật. Nếu phụ nữ mang thai mắc phải chứng bệnh này thì không cần quá lo lắng vì huyết áp sẽ trở về bình thường sau khi sinh em bé.
  • Tiền sản giật: đây được xem là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn bé với các biểu hiện: cao huyết áp, phù, protein niệu. Tiền sản giật thường xảy ra ở sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật sẽ chuyển sang cơn sản giật: thai phụ sẽ chuyển sang hôn mê do nhiễm độc huyết tiến triển, gây ra những biến chứng ở não (đau đầu, co giật), ở mắt (mờ mắt), ở gan (đau vùng bụng)… và có thể dẫn đến tử vong. Trước đây, tiền sản giật chỉ được chẩn đoán nếu một phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và xuất hiện protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay đã nhận định phụ nữ có thể bị tiền sản giật ngay cả khi không có protein trong nước tiểu.

2.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp ở sản phụ

            Có một số nguyên nhân có thể gây ra huyết áp cao khi mang thai, bao gồm:
  • Tình trạng thừa cân hoặc béo phì, không hoạt động thể chất, thói quen hút thuốc lá và uống rượu
  • Phụ nữ mang thai lần đầu, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ, mang thai đôi hoặc đa thai
  • Mang thai khi tuổi cao (trên 35), mắc bệnh tiểu đường, áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản

3.Phụ nữ mang thai có thể sử dụng thuốc để điều trị cao huyết áp không?

Dù dùng thuốc trong quá trình mang thai có thể đem tới những biến chứng không thể lường trước cho sức khỏe của sản phụ và thai nhi, tuy nhiên đối với những trường hợp cao huyết áp, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn một vài loại thuốc để điều trị. Điều quan trọng nhất là sản phụ phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và không được tùy ý sử dụng thuốc nếu không muốn xảy ra những nguy cơ đáng tiếc.

4.Những loại thuốc cao huyết áp được sử dụng

Các thuốc cao huyết áp sau đây là những thuốc được ưu tiên chọn lựa hàng đầu trong điều trị cao huyết áp cho PNCT, do những thuốc này có tính an toàn, không gây những tác hại cho thai nhi và thai phụ.
  • Methyldopa (Dopegyt 250mg): thuốc cao huyết áp tác động trên hệ thần kinh trung ương; được chỉ định điều trị cao huyết áp và cao huyết áp ở phụ nữ mang thai. Thuốc thường ở dạng viên với hàm lượng 250mg hoặc 500mg.
  • Labetalol (trandate): thuốc cao huyết áp chẹn đồng thời ức chế thụ thể ở mạch ngoại vi, làm giảm sức cản ngoại vi gây hạ huyết áp.Thuốc dùng an toàn cho phụ nữ mang thai. Thuốc có thể ở dạng viên thường với hàm lượng 100mg hoặc 200mg hay ở dạng thuốc tiêm.
  • Hydralazin (Apresolin): thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi nên có tác dụng hạ huyết áp. Thường dùng dưới dạng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch trong điều trị cao huyết áp cấp ở phụ nữ mang thai.
Các thuốc cao huyết áp thuộc các nhóm sau đây không được sử dụng trong điều trị cao huyết áp cho PNCT, do các thuốc này khi vào cơ thể sẽ vượt qua nhau thai gây tác hại cho thai nhi như: hạ huyết áp, vô niệu, suy thận… và nghiêm trọng hơn là gây ra dị dạng, quái thai, thậm chí tử vong thai nhi.
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) như: captopril, enalapril…
  •  Nhóm thuốc đối kháng canxi như: nifedipin, amlodipin…
  • Nhóm thuốc chẹn beta như: atenolol, propanolol…
  •  Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin như: losartan, ibersartan…
  • Nhóm thuốc lợi tiểu như: furosemid, hydrochlorothiazid…
Cao huyết áp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho thời kỳ mang thai nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vậy nên các sản phụ nên chú ý kiểm tra huyết áp thường xuyên và thực hiện chế độ dưỡng thai thật khoa học để ngăn ngừa được những nguy cơ xấu có thể xảy ra.




Pregabalin và kết luận từ nghiên cứu an toàn
về nguy cơ trong thai kỳ
Một nghiên cứu mới chỉ ra Pregabalin có thể làm tăng nhẹ nguy cơ dị dạng thai nhi nghiêm trọng nếu được sử dụng trong thai kỳ. Bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian sử dụng thuốc và tránh sử dụng thuốc trong thai kỳ nếu không thực sự cần thiết. 
 
Khuyến cáo cho nhân viên y tế
Một nghiên cứu quan sát bao gồm hơn 2.700 thai kỳ phơi nhiễm Pregabalin cho thấy việc sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ dị dạng thai nhi nghiêm trọng, so với không phơi nhiễm thuốc chống động kinh hoặc phơi nhiễm lamotrigin hoặc duloxetin.
 
Tiếp tục tư vấn bệnh nhân đang sử dụng Pregabalin về:
- Nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi (tham khảo tờ thông tin cho bệnh nhân).
- Sự cần thiết phải sử dụng biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian sử dụng thuốc.
 
Tiếp tục tránh sử dụng pregabalin trong thai kỳ, trừ trường hợp thực sự cần thiết và lợi ích dành cho bệnh nhân vượt trội rõ ràng nguy cơ đối với thai nhi. Đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ và đầy đủ về lợi ích và nguy cơ của thuốc, các phương án điều trị thay thế, và đảm bảo bệnh nhân có quyền quyết định.
Khuyến cáo bệnh nhân đang có dự định mang thai trong thời gian điều trị đến gặp bác sĩ để thảo luận về tình trạng sức khỏe và các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.
 
Trong trường hợp lợi ích vượt trội rõ ràng so với nguy cơ, và thực sự cần thiết phải sử dụng pregabalin trong thai kỳ, nên:
- Sử dụng liều tối thiểu có hiệu quả
- Báo cáo tất cả các phản ứng có hại nghi ngờ do thuốc, kể cả biến cố trên thai nhi
 
Nhắc nhở khi kê đơn thuốc chống động kinh
Khi bắt đầu điều trị, và trong các buổi tái khám bệnh nhân động kinh, thảo luận nguy cơ của các thuốc chống chống động kinh, nguy cơ nếu không điều trị động kinh trong thai kỳ, và điều chỉnh phác đồ điều trị dựa trên lâm sàng và hoàn cảnh của bệnh nhân.
Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đang có dự định mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai cho bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về phác đồ điều trị động kinh.
Nếu bệnh nhân có dự định mang thai, tư vấn cho bệnh nhân sử dụng acid folic 5 mg mỗi ngày trước khi mang thai. 
 
Nguồn: 

Mỗi kháng sinh đều bao gồm ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi kết hợp kháng sinh trong điều trị thì những tác dụng phụ này có thể cộng lại hoặc gia tăng. Do vậy việc phối hợp kháng sinh trong điều trị cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phối hợp kháng sinh hợp lý.
 1. Vai trò của phối hợp kháng sinh trong điều trị
Trong một số trường hợp đặc thù, việc kết hợp các loại kháng sinh có thể mang lại một số ưu điểm nhất định như giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng, điều trị nhiễm trùng do nhiều loại vi khuẩn gây ra cùng lúc, đồng thời gia tăng khả năng diệt khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nên phối hợp kháng sinh với những trường hợp thật sự cần thiết như sau:
Người bệnh bị nhiễm cùng lúc 1 hay nhiều loại vi khuẩn.
Người bệnh bị nhiễm những chủng vi khuẩn đặc thù mà cần phối hợp kháng sinh mới cho hiệu quả tốt.
Bệnh nhân bị bệnh lao, bệnh phong, viêm màng trong tim, Brucellosis...
Bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn nặng chưa rõ nguyên nhân hoặc không kịp chờ kết quả xét nghiệm.
 2. Phân loại nhóm kháng sinh
Để lựa chọn và sử dụng loại kháng sinh đúng thì bác sĩ cần thực hiện chẩn đoán lâm sàng bệnh chính xác, dựa vào kết quả vi sinh vật và thực hiện kháng sinh đồ. Tuy nhiên trong trường hợp cần điều trị gấp trước khi có kết quả thí nghiệm thì cần dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết về kháng sinh để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp và hiệu quả. Về cơ bản, có các nhóm kháng sinh như sau:
- Nhóm β-lactam: Các Penicillin; các Cephalosporin, Ampicillin; Amoxicillin;
- Nhóm Aminoglycosid: Streptomycin; Kanamycin; Gentamycin
- Nhóm Polypeptid: Colistin
- Nhóm Macrolid: Tylosin; Spiramycin; Rifampicin
- Nhóm Pleuromutilin: Tiamulin
- Nhóm Lincosamid: Lincomycin;
- Nhóm Tetracyclin: Tetracyclin; Oxytetracyclin; Doxycyclin; Clotetracyclin.
- Nhóm Phenicol: Chloramphenicol; Thiamphenicol; Florfenicol
- Nhóm Quinolon: Acid Nalidixic, Norfloxacin; Các Fluoroquinolon; Enrofloxacin
- Nhóm Sulfonamid: Sulfaguanidin, Sulfadiazin...
- Nhóm Diaminopyrimidine: Trimethoprim
 
 
3. Sơ đồ phối hợp kháng sinh
Mỗi kháng sinh đều bao gồm ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi kết hợp kháng sinh trong điều trị thì những tác dụng phụ này có thể cũng cộng lại hoặc tăng lên. Do vậy việc phối hợp kháng sinh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phối hợp kháng sinh hợp lý.
Theo bảng phối hợp kháng sinh, những nhóm kháng sinh khi dùng chung với nhau có thể tạo ra tác dụng hiệp đồng (+) hoặc đối kháng (-). Cụ thể:
3.1. Trường hợp HIỆP ĐỒNG khi phối hợp kháng sinh
Tác dụng hiệp đồng khi phối hợp kháng sinh có thể lý giải bởi:
- Mở rộng phổ tác dụng.
- Tăng cường hiệu lực kháng khuẩn khi cùng một lúc ức chế nhiều quá trình sống của vi khuẩn.
- Kháng sinh loại này tạo điều kiện cho kháng sinh loại kia phát huy tác dụng dược lý.
Điển hình của mối quan hệ hiệp đồng:
- Nhóm β-lactam và nhóm Aminoglycosides: ví dụ Penicillin và Streptomycin; Amoxicillin và Gentamycin; Penicilin và Gentamicin....
- Nhóm β-lactam và nhóm Polypeptides: ví dụ Amoxicillin và Colistin; Ampicillin và Colistin...
- Nhóm Tetracyclines và nhóm Macrolides: ví dụ Doxycyclin và Tylosin...
- Nhóm β-lactam và Metronidazol được phối hợp trong điều trị viêm phúc mạc, áp xe phổi, áp xe não, một số nhiễm khuẩn phụ khoa... Mỗi loại kháng sinh diệt một loại vi khuẩn và việc kết hợp cả 2 sẽ diệt nhiều loại vi khuẩn hơn.
Tuy nhiên không phải người bệnh cứ sử dụng cùng nhau 2 kháng sinh có cơ chế hiệp đồng là sẽ tăng cường tác dụng kháng khuẩn tốt nhất. Việc kết hợp kháng sinh bên cạnh sự hiệp đồng về mặt nguyên lý còn cần phải có sự phù hợp về các pha dược động học của từng thuốc cũng như vị trí của mầm bệnh trong cơ thể. Việc tự sử dụng từng kháng sinh đơn lẻ và kết hợp không hề đơn giản.
3.2. Trường hợp ĐỐI KHÁNG khi phối hợp kháng sinh
Các trường hợp phối hợp thuốc sai sẽ làm giảm dược lực của thuốc, hậu quả phối hợp 2 loại thuốc mà tác dụng không bằng dùng 1 loại thuốc. Một số dạng phối hợp tất yếu gây tình trạng đối kháng:
- Kết hợp kháng sinh có tính kìm khuẩn với kháng sinh diệt khuẩn: Ví dụ: Penicillin và Tetracyclin;
- Kết hợp các kháng sinh có cùng cơ chế tác dụng hoặc gây độc trên cùng một cơ quan. Ví dụ phối hợp 2 kháng sinh cùng nhóm sẽ làm suy gan, suy tụy trong khi hiệu quả trị bệnh lại không tăng.
- Phối hợp kháng sinh gây kích thích đề kháng. Ví dụ: Cefoxitin và Penicillin...
 
4. Những khó khăn khi phối hợp kháng sinh
Ngoài những nguyên tắc cơ bản, việc phối hợp kháng sinh còn dựa trên nhiều cơ sở như:
- Cơ chế tác dụng của các loại kháng sinh.
- Dược động học, tính chất lý hóa của kháng sinh.
- Loại vi khuẩn gây bệnh.
- Tình trạng bệnh.
- Các yếu tố khác...
Như vậy, việc phối hợp kháng sinh đúng cách không hề đơn giản kể cả đối với những người quen thuộc. Không những vậy việc phối hợp kháng sinh trong điều trị bệnh cũng mang lại một số bất lợi như:
- Phối hợp kháng sinh tạo tâm lý yên tâm không còn tích cực tìm kiếm tác nhân gây bệnh tận gốc.
- Phối hợp kháng sinh khiến lượng kháng sinh cần sử dụng nhiều hơn có thể gây ra tương tác bất lợi hoặc gia tăng độc tính của thuốc.
- Gia tăng chi phí điều trị nhưng đôi khi kết quả điều trị không tăng.
Tóm lại, việc phối hợp kháng sinh chỉ nên thực hiện khi thật cần thiết và theo đúng sơ đồ phối hợp kháng sinh, đúng liều lượng, đúng khoảng cách dùng thuốc và đủ thời gian quy định để hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh ở người bệnh. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.