Top 10 games đổi thưởng hàng đầu Việt Nam năm 2023

ĐỂ GIÚP CON CAO LỚN

15/05/2020

Trong quá trình phát triển thể chất của trẻ em vấn đề tăng cân là đặc biệt quan trọng, do vậy cha mẹ cần theo dõi sát sao sự tăng cân của trẻ để đánh giá chế độ ăn có phù hợp chưa và điều chỉnh kịp thời. Chỉ cần trẻ không lên cân liên tục trong 3 tháng thì chiều cao của trẻ sẽ không thể tăng được. Trẻ em chỉ có lứa tuổi nhỏ để tăng trưởng chiều cao, hết giai đoạn tăng trưởng này trẻ không thể cao thêm được. Vì vậy trong thời kỳ trẻ em, tạo điều kiện tăng trưởng chiều cao tối đa cho trẻ là vấn đề rất quan trọng.

Chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng một phần bởi yếu tố di truyền của cha mẹ.Tuy nhiên, yếu tố dinh dưỡng góp phần rất quan trọng vào tầm vóc trẻ, đây là một điều dễ dàng nhận thấy trong thực tế khi những trẻ em mang gen ba mẹ thấp bé nhưng nếu được nuôi dưỡng trong môi trường dinh dưỡng tốt từ nhỏ, khi lớn lên đều rất to cao. Yếu tố vận động thể chất (thể dục thể thao) đóng góp đến 20% chiều cao của một người. Ngoài ra trẻ cần ngủ sớm, ngủ say đủ giấc, tắm nắng nhẹ 20 phút mỗi ngày, môi trường sạch ít ô nhiễm bệnh tật… cũng giúp trẻ đạt chiều cao vượt mức di truyền cho phép.

Các giai đoạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ

 

Có 3 giai đoạn trẻ tăng trưởng rất nhanh về chiều cao mà phụ huynh cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng thật tốt cho trẻ: thời kỳ trong bào thai, dưới 3 tuổi và tiền dậy thì – dậy thì.

 

Bà mẹ mang thai cần tăng đủ 10-12 kg trong 9 tháng và uống 2 ly sữa mỗi ngày để chiều cao của bé sơ sinh đạt 50cm trở lên là tốt nhất. Trong năm đầu đời trẻ tăng khoảng 25cm, 2 năm kế tiếp tăng khoảng 10cm mỗi năm, là giai đoạn tích lũy. Đến tuổi dậy thì, chiều cao của trẻ sẽ tăng tốc 10-12cm/năm trong một đến hai năm rồi sẽ chậm dần và ngưng cao ở tuổi 25-30 tuổi. Có thể ước tính chiều cao lúc trưởng thành của trẻ bằng cách lấy chiều cao lúc 2 tuổi nhân cho 2. Ví dụ trung bình trẻ 2 tuổi cao 85cm, hy vọng lúc trưởng thành con đạt 170cm nếu trẻ tiếp tục được chăm sóc tốt.

Các yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
 
Các yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng quan trọng đến chiều cao trẻ là năng lượng, lượng đạm, lysin, canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, I ốt… cần cung cấp đủ trong suốt quá trình tăng trưởng của trẻ. Vì vậy trong quá trình điều chỉnh lượng ăn và lượng sữa cho trẻ, cần chú ý đủ lượng chất đạm (tùy độ tuổi, 30g thực phẩm giàu đạm trong một chén cháo hoặc 50-70g thịt cá mỗi bữa khi trẻ ăn cơm), sử dụng gia vị chứa I ốt và lượng sữa tối thiểu trong một ngày từ 6 tháng tuổi trở lên là 600ml, nếu đạt 800-1000ml một ngày thì sẽ an tâm về lượng canxi hỗ trợ tối đa chiều cao cho trẻ. Và chú ý rằng: Trẻ ăn nhiều hơn uống sữa thì sẽ mập mà không có chiều cao tốt, nhưng nếu uống sữa nhiều hơn ăn thì sẽ đạt chiều cao tốt hơn.
 
Sữa là một loại thực phẩm hoàn hảo đặc biệt cho chiều cao vì trong sữa có đầy đủ tất cả các thành phần dinh dưỡng cần thiết để phát triển chiều cao (có đạm, béo, canxi, đường lactose…). Một chế độ ăn nếu thiếu sữa sẽ khó cung cấp đủ hàm lượng canxi và khoáng chất, là những cấu trúc cơ bản của xương, cho sự tăng trưởng chiều cao. Vì vậy mà chuyên gia dinh dưỡng mới khuyên các bà mẹ luôn đưa sữa vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ và cung cấp ít nhất là 3 lần mỗi ngày cho trẻ.
 
Việc lựa chọn loại sữa nào phù hợp cho trẻ trong từng thời điểm cũng là vấn đề phụ huynh cần quan tâm. Ngoài tiêu chí chọn loại sữa sản xuất phù hợp với độ tuổi của trẻ, phụ huynh  cần quan tâm đến chất lượng của sữa: có đầy đủ các chất dinh dưỡng, an toàn, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Sau tuổi bú mẹ, trẻ cần tiếp tục nguồn sữa tiếp theo để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho chiều cao và cân nặng. Trẻ trên 6 tuổi nếu có tình trạng dinh dưỡng bình thường hoặc thừa cân béo phì thì nên dùng loại sữa không béo không đường với lượng tối thiểu 600ml/ ngày và duy trì cho tới lớn. Sữa cũng đầy đủ dinh dưỡng như một bữa ăn 4 món, là thực phẩm lý tưởng để ăn bù khi bệnh ăn ít hay biếng ăn.

Thói quen, hoạt động của trẻ

 

Cần thiết lập thói quen yêu thích vận động cho trẻ qua lối sống năng động và thể dục thể thao hàng ngày, không ỷ lại vào tivi, trò chơi điện tử, ipad… Có thể hỏi ý kiến trẻ để chọn ra 2 môn thể thao yêu thích để tập cách ngày mỗi thứ 2,4,6 hay thứ 3,5,7. Vận động tích cực (tim nhanh, thở hổn hển, mặt hồng hào, ra mồ hôi…) trong tối thiểu 30-45 phút và ít nhất 5 ngày trong một tuần. Trong lúc tập luyện, chạy nhảy, sẽ kích thích sản xuất các hormone tăng trưởng giúp trẻ phát triển chiều cao rất tốt. Đặc biệt khi môi trường tập luyện có ánh nắng nhẹ vào buổi sáng hoặc chiều tối sẽ giúp da tạo ra nhiều vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa tốt chất canxi cho xương.

Trẻ cần được ngủ sớm vào buổi tối khoảng 9-10 giờ để đạt giấc ngủ say vào lúc 11-12 giờ đến 2 giờ sáng, khi đó não sẽ tiết ra nhiều nội tiết tố tăng trưởng để xương trẻ “dài ra trong giấc ngủ”. Ngủ trễ, thức khuya sẽ làm giảm lượng hormone này.

Bộ xương của chúng ta cần được bổ sung đủ các khoáng chất tạo xương cho đến 25-30 tuổi, sau đó thì quá trình hủy xương sẽ nhiều hơn quá trình tạo xương mặc dù vẫn được dinh dưỡng tốt. Do đó cần cung cấp kiến thức về dinh dưỡng và vận động cho trẻ tự giác thực hiện thì sẽ giúp cho tầm vóc các thế hệ trẻ cải thiện được nhiều hơn.
 

 

 

Bs Trần Hồng Hải