-
nguyễn đông nam
Câu hỏi:
cho e hỏi vợ e mới siêu âm bs nói có 1 thai trong và nghi ngờ có 1 thai ngoài tử cung .có thể cứu đc thai trong không bs .thai trong đc 4 tuần ..xin cảm ơn bs
Trả lời:
Bạn Nguyễn Đông Nam thân mến. Trường hợp đồng thời có thai trong tử cung và thai ngoài tử cung là rất hiếm gặp (chiếm 1/30.000 trường hợp sẩy thai tự nhiên). Thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở góc sừng tử cung, ở vòi trứng, ở buồng trứng hoặc dây chằng rộng hay ổ bụng. Thai ngoài tử cung gây các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng, đòi hỏi phải có can thiệp y khoa kịp thời. Can thiệp điều trị thai ngoài tử cung có thể bằng thuốc nội khoa (Metrotrexat), bằng phẫu thuật nội soi, phẫu thuật hở. Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung nói trên đều có ảnh hưởng rất đáng kể tới thai trong tử cung (đối với các trường hợp đồng thời có thai trong tử cung và thai ngoài tử cung). Cụ thể là thuốc Metrotrexat gây chết thai, các thuốc gây tê, gây mê để vô cảm trong phẫu thuật tác động nghiêm trọng đến thai như gây chết, gây sảy hoặc gây dị tật cho thai còn lại trong tử cung. Vì vậy chỉ trong những trường hợp hết sức đặc biệt (như những cặp vô sinh hiếm muộn không còn cơ hội mang thai) thì BS mới đặt ra vấn đề giữ lại thai trong tử cung, nhưng rủi ro là rất cao. Vậy bạn hãy nghe BS trực tiếp điều trị tư vấn cho bạn và cùng BS quyết định tùy tình huống cụ thể của bạn nhé. Thân mến chào bạn. Thân.
-
Trần Phạm Huỳnh Mi
Câu hỏi:
Chào Bv e vừa sanh bé ơn Bv mình hôm 7.6.2017 sanh mổ hiện tại bé e gan 10 thang và e đang mang bầu khoang hơn 4 tuần.cho e hỏi e muôn sanh tiếp liệu có an toàn hay ko?
Trả lời:
Bạn Huỳnh Mi thân mến. Giới chuyên môn sản khoa qua nghiên cứu thấy tỷ lệ tai biến ở các bà mẹ mang thai sớm sau mổ lấy thai lần trước là rất cao, và rất nguy hiểm; đặc biệt khi lần sinh sau chỉ cách lần sinh mổ trước dưới 24 tháng; do vậy đưa ra khuyến cáo rằng: các bà mẹ chỉ nên sanh con sau ít nhất 36 tháng kể từ lần mổ lấy thai trước đến lần sinh sau, và không nên sinh mổ quá 3 lần. Con bạn 10 tháng tuổi, bạn mang thai 4 tuần, vậy tính đến khi bạn sinh, chỉ cách lần sinh mổ trước 18-19 tháng thì nguy cơ tai biến biến chứng trong quá trình mang thai và sinh là rất cao. Vấn đề để sinh con lần này hay không là do vợ chồng bạn cân nhắc. Dù thế nào, bạn cũng nên thận trọng và cần đến sự khám xét, tư vấn và thực hiện chuyên môn bởi các BS sản khoa chuyên nghiệp, để tránh những tai biến, biến chứng đáng tiếc do phá thai hay do mang thai và sinh đẻ. Thân mến chào bạn. Thân.
-
Thanh Phong
Câu hỏi:
Bác sĩ cho em hỏi con em được 20 ngày tuổi bé thường ngủ hay vặn mình mặt đỏ và bụng cứng lên khóc dữ lên. Vậy bé bị gì vậy BS?
Trả lời:
Bạn Thanh Phong thân mến. Bé của bạn ăn ngủ bình thường nhưng hay vặn người là bé có sự khó chịu trong mình. Bạn cần chú ý vệ sinh đồ dùng cho bé như chọn vải bông, giặt sạch thường xuyên, làm mềm trước khi mặc, không sử dụng các loại hóa chất như dầu thơm, bôi trơn... cho bé, hạn chế dùng phấn rôm nếu không cần thiết..., đồng thời vệ sinh môi trường quanh bé như giường, chiếu, chăn, mền, vách tường vv... Mặt khác bạn thường xuyên mát xa lưng, tay, chân cho bé theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Các bé sơ sinh 4-6 tháng đầu chỉ cần bú sữa mẹ, chưa cần bổ xung thêm dinh dưỡng bên ngoài kể cả các vitamin, vì vậy bạn không cần tự bổ xung thuốc hay thực phẩm chức năng cho bé. Bạn có thể phơi nắng sáng sớm cho bé (nắng hồng) từ 20 đến 30 phút mỗi ngày để cơ thể bé tăng tổng hợp vitamine D, chú ý chỉ hở lưng, tay chân của bé, tránh nắng chiếu vào mắt. Thân mến chào bạn. Thân.
-
Bích Ngọc
Câu hỏi:
BS cho e hỏi là mỗi lần khám thai định kỳ ở bv là BS đều khám trong rồi mới cho đi siêu âm z ạk? E đọc trên mạng & bbè khám ở bv khác nói thì BS chỉ khám trong lần đầu, bị viêm nhiễm hay gì & khi gần sanh thôi vì mn nói khám nhiều hk tốt cho thai làm e hơi lo. Nếu khám trong z thì đến tuần thai thứ mấy mới hk khám nữa z BS? Mong BS sớm hồi âm.E cảm ơn ạk!
Trả lời:
Bạn Bích Ngọc thân mến. Thăm âm đạo là một thủ thuật nhằm đánh giá những thương tổn hay thay đổi bất thường của âm đạo, cổ tử cung, đoạn dưới tử cung và hai phần phụ mà các phương tiện kỹ thuật không thể thay thế được. Các bộ phận này cần được theo dõi sự thay đổi trong suốt quá trình thai nghén nhằm phát hiện kịp thời các bệnh lý như hở cổ tử cung, ngắn cổ tử cung gây sinh non, nhau tiền đạo, u tiền đạo gây sinh khó vv... ; ngoài ra thăm âm đạo còn để đánh giá khung chậu, tiên lượng cuộc đẻ... Tóm lại, việc thăm khám âm đạo là một thủ thuật cần thiết của người BS sản khoa mỗi khi khám thai, phố hợp với các phương tiện hỗ trợ khác nhằm đánh giá đúng tình trạng người bệnh; thủ thuật này hoàn toàn không gây hại cho người bệnh nhưng có giá trị chẩn đoán cao. Chị em mang thai nên vệ sinh sạch sẽ trước khi đi khám thai và phối hợp cùng BS trong việc thăm âm đạo để việc khám thai có hiệu quả tốt nhất. Thân mến chào bạn. Thân.
-
Phạm Thị Thanh Duyên
Câu hỏi:
Ad cho Tôi hỏi, ngày 26/3/18 khoảng 10h tôi có đưa bé được 31 tháng đến bv PSNBD để tiêm ngừa cho bé vacxin viêm gan AB, ở lại bv 30 phút bé bình thường, về nhà khoảng 12 tiếng sau chỗ bắp tay tiêm bị sưng đỏ cứng và nóng chỗ sưng, bé ko đau, đến hôm nay 3 ngày vẫn còn sưng, vào đêm ngày thứ 2 bé sổ mũi, nghẹt mũi sốt nhẹ khoảng 37.6-.37.8 độ, vậy cho tôi hỏi có phải phản ứng phụ của vacxin ko và có cần đi khám không. Mong sớm nhận được sự tư vấn của BV. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Bạn Thanh Duyên thân mến. Thông thường khi đưa vaccine vào cơ thể, đặc biệt đưa qua đường tiêm trích, sẽ gây ra những phản ứng nhẹ của cơ thể chống lại vaccine, như nóng sốt nhẹ (dưới 39 độ C), mỏi mình... tại chỗ tiêm cũng có thể xuất hiện phản ứng nhẹ như sưng nề nhẹ, mật độ mô cương nhẹ, đau ít... Trường hợp như vậy thường không cần điều trị thuốc , chỉ cần cho trẻ ăn nhẹ, uống đủ nước, lau mát vài ngày sẽ bình phục. Trường hợp trẻ có biểu hiện nặng nề hơn như khó thở, nổi nốt phỏng ở da, sốt cao, sưng đau tại chỗ tiêm nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, ói mửa, tiêu chảy vv... thì cần được đưa tới BS để khám và điều trị. Đôi khi, trẻ ngẫu nhiên mắc bệnh gì đó ngay trong đợt tiêm ngừa thì sẽ có biểu hiện bệnh, lúc này trẻ cũng cần được đưa đi khám kịp thời. Vậy nếu bạn áp dụng các biện pháp đơn giản mà bé không có biểu hiện thuyên giảm thì cần đưa bé đi khám ngay, để an toàn cho bé. Thân mến chào bạn. Thân.